Có một sự thật rằng, khi được hỏi Tether là gì có rất nhiều anh em sẽ trả lời rằng Tether là USDT, là một Stablecoin.
Đáng tiếc thay, câu trả lời như trên không thật sự chính xác.
Điều đó khiến mình suy nghĩ, phải chăng có quá nhiều anh em khi mới tham gia vào thị trường tiền điện tử đã tiếp cận vấn đề một cách không chính xác dẫn đến hiện trạng như trên.
Chính điều đó đã khiến mình thực hiện bài viết ngày hôm nay với mục đích cung cấp những thông tin cơ bản, cần thiết và chi tiết nhất về Tether nói chung và USDT nói riêng.
Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, anh em sẽ có thêm kiến thức về một trong ba đồng tiền điện tử quyền lực nhất trong thị trường này.
Thôi, không để anh em chờ lâu hơn nữa. Chúng ta cùng bắt đầu luôn nào!
Nội dung chính
Tether là gì?
Tether là nền tảng cho phép các loại tiền tệ Fiat được sử dụng trên Blockchain thông qua việc phát hành các Tether Token có giá trị tương đương.
Nền tảng Tether được thành lập và phát triển bởi công ty Tether Limited có trụ sở tại Hong Kong vào năm 2014.
Tether Token là gì?
Tether Token (ký hiệu: ₮) là loại tiền điện tử có giá trị được đảm bảo 100% bằng các loại tiền tệ Fiat theo tỷ lệ 1:1 do công ty Tether Operation Limited phát hành.
Một Tether Token (₮) có giá trị bằng 1 đơn vị tiền tệ đảm bảo cho nó.
Ở thời điểm hiện tại, Tether đã phát hành ba đồng token được bảo chứng 100% bằng ba loại tiền tệ Fiat khác nhau là USD, EURO và CNH (Offshore Chinese Yuan). Với mã token lần lượt là USD₮, ERU₮ và CNH₮.
Mua bán BTC – ETH – USDT giá rẻ, uy tín
Dành cho anh em có nhu cầu mua bán BTC, ETH, USDT nhanh gọn, giá tốt.
Có thể liên hệ với @Coinnews247, phụ trách box OTC của Coinnews247, bảo đảm uy tín và chất lượng.
Lịch sử hình thành của Tether
Những ngày khởi đầu
Vào tháng 07/2014, Brock Pierce cùng với hai thành viên khác là Reeve Collins và Craig Sellars chính thức thành lập Realcoin – một Stablecoin được bảo chứng bằng đồng đô la với tỷ lệ 1:1.
Token Realcoin đầu tiên được phát hành vào ngày 06/10/2014 trên lớp layer 2 của Bitcoin có tên Mastercoin (nay là Omni Layer).
Sau một thời gian hoạt động, CEO Reeve Collins đã quyết định thay đổi thương hiệu Realcoin thành “Tether” vào ngày 20/11/2014.
Trong giai đoạn này, Tether đang thử nghiệm phiên bản bí mật của các Tether Token được bảo chứng bởi ba loại tiền Fiat là USD, EUR và JYP.
Vào tháng 01/2015, đồng Token USDT do Tether bảo chứng 1:1 với USD, lần đầu tiên được giao dịch trên sàn Bitfinex. Lúc này, Bitfinex đang là sàn giao dịch Bitcoin có khối lượng giao dịch lớn nhất.
Tether và Bitfinex
Trong quá trình hoạt động, Tether và Bitfinex có những mối liên hệ không rõ ràng thông qua một chuỗi sự kiện liên tiếp:
- Vào ngày 31/03/2017, Tether và Bitfinex gặp phải trở ngại lớn khi tài khoản ngân hàng bị chặn bởi Wells Fargo, khiến cho dịch vụ chuyển tiền quốc tế của Tether không phục vụ được những nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Đài Loan.Điều này đã khiến cho Tether và Bitfinex đề đơn kiện Wells Fargo sau 2 ngày bị chặn việc chuyển tiền.
- Tuy nhiên, Tether và Bitfinex đã huỷ đơn kiện Wells Fargo vào ngày 11/04/2017 và bắt đầu chuyển tiền ra khỏi các ngân hàng Đài Loan.
- Vào ngày 05/05/2017, Bitfinex tiến hành thuê công ty Friedman LLP đứng ra kiểm toán cho Tether.
- Vào ngày 28/09/2017, Friedman LLP công bố bản kiểm toán cho rằng lượng USD dự trữ của Tether bằng với khối lượng USDT đang lưu hành trên thị trường ~443 triệu đô.
- Đỉnh điểm, vào ngày 07/11/2017 một tài liệu đã được phát tán có tên “Paradise Papers” đã hé lộ nhiều thông tin hơn về mối quan hệ của Tether và Bitfinex.
Tài liệu này đã chỉ ra CEO của Tether và Bitfinex thật chất chỉ là một người – JL van der Velde. Ngoài ra, nhiều chức vụ của hai công ty này đều được đảm nhiệm bởi một người ở vị trí tương đồng.
Thông qua tất cả những sự kiện trên đã chứng tỏ giữa Tether và Bitfinex luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Cuộc tấn công đầu tiên
Trong quá trình hoạt động của mình, Tether lần đầu tiên thông báo rằng họ đã bị tấn công bởi hacker và bị đánh cắp một lượng USDT tương đương 31 triệu đô ra khỏi quỹ dự trữ của họ vào ngày 19/11/2017.
Chỉ 2 ngày sau đó (tức ngày 21/11/2017), Tether đã phát hành bản nâng cấp của OmniCore* và yêu cầu tất cả khách hàng của họ phải cài đặt phần mềm nâng cấp này ngay lập tức để ngăn chặn số tiền bị đánh cắp.
*Omni Core là phần mềm được các khách hàng của Tether sử dụng để hỗ trợ các giao dịch trên lớp Omni.
Sau khi chặn đứng số tiền bị đánh cắp, Tether đã phối hợp với Omni Foundation để tiến hành một bản hardfork trên lớp layer của Omini nhằm mục đích lấy lại số tiền đã bị mất.
Bản chất hoạt động của Tether
Trong whitepaper, Tether mô tả hoạt động của hệ thống khá đơn giản như sau:
Users gửi tiền fiat vào tài khoản ngân hàng của Tether Limited. Tether tạo và ghi có vào tài khoản của người dùng 1 lượng Tether token bằng với số tiền mà người dùng đã gửi.
Sau đó, người dùng có thể tự do thực hiện giao dịch peer to peer, mua bán, trao đổi trên các sàn giao dịch…
Khi không còn nhu cầu sử dụng, người dùng có thể chuyển đổi Tether token thành tiền Fiat thông qua nền tảng Tether.
Sau đó, Tether sẽ tiêu huỷ số Tether token đó và gửi tiền Fiat cho người dùng.
Như đã đề cập ở đầu bài, Tether phát hành các token có giá trị được bảo chứng 100% bằng các loại tiền Fiat với tỉ lệ 1:1.
Điều này làm xuất hiện một câu hỏi nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng lớn đó là: Ai là người kiểm toán lượng tiền trong quỹ dự trữ của Tether để chắc chắn rằng 1 Tether (₮) luôn bằng 1 đơn vị tiền tệ Fiat?
Kẻ kiểm toán Tether
Tether vẫn hoạt động rất tốt khi liên tục phát hành thêm USDT ra thị trường. Nhưng lúc này không có một bên nào đứng ra kiểm toán để chứng minh số tài sản Tether đang nắm giữ bằng với số lượng USDT đã được phát hành cả.
Công cuộc tìm kẻ kiểm toán của Tether khá gian nan nhưng rồi họ cũng tìm được một công ty đầu tiên chấp nhận kiểm toán đó chính là Friedman LLP.
Sau khi được Bitfinex thuê, Friedman LLP phát hành bản báo cáo kiểm toán chứng minh Tether có số tài sản ~443 triệu đô bằng với số lượng USDT phát hành lúc bấy giờ vào ngày 28/09/2017.
Trong bản kiểm toán này, Friedman LLP không tiết lộ ra tên và địa điểm của các ngân hàng nơi Tether đang trữ tiền.
Song, cuộc tình giữa Tether và Friedman nhanh chóng chấm dứt sau đó vài tháng.
Tether tiếp tục hoạt động với việc phát hành thêm USDT. Đồng thời vẫn cố gắng tìm kiếm đối tác tiếp theo để kiểm toán cho mình.
Vào ngày 01/06/2018, nhằm mục đích trấn an người dùng sau khi có tin đồn Tether không đủ lượng tiền trong quỹ dự trữ để bảo chứng 1 USDT bằng 1 USD.
Tether đã thuê công ty Freeh Sporkin & Sullivan (FSS) đứng ra xác nhận rằng Tether đang sở hữu 2,55 tỷ đô trong tài khoản ngân hàng đủ để đổi lại tất cả số USDT đang có mặt trên thị trường.
Kể từ sau bản báo cáo của FSS, Tether vẫn bị cáo buộc về vấn đề kiểm toán khi không thể cung cấp tên cũng như địa chỉ các ngân hàng mà họ đang nắm giữ tiền.
Điều này là điều dễ hiểu bởi vì Tether đã phải rất chật vật để tìm được các ngân hàng giúp họ trữ tiền sau sự kiện bị Wells Fargo chặn tài khoản của họ vào cuối tháng 03/2017.
Rõ ràng rằng, hành động không được minh bạch của Tether trong việc kiểm toán đã dẫn đến nhiều hệ quả về niềm tin vào USDT của người dùng.
USDT là gì?
USDT (hay TetherUS) là đồng Stablecoin có giá trị được đảm bảo bằng USD theo tỷ lệ 1:1 do Tether Operation Limited phát hành vào năm 2014.
USDT thuộc loại Fiat-Backed Stablecoins, được thiết kế với mục đích tăng tính thanh khoản và giảm thiểu tầm ảnh hưởng của sự biến động giá trong thị trường tiền điện tử.
Phân loại USDT
Sau 5 năm hình thành và phát triển kể từ ngày đồng USDT đầu tiên được phát hành đến nay. Tether đã phát hành 5 phiên bản USDT khác nhau với tổng giá trị lên đến 4,13 tỷ đô.
USDT trên Omni Layer
Đây chính là phiên bản đầu tiên, cũng là phiên bản được chấp nhận rộng rãi nhất của USDT được phát hành trên lớp Layer Omni của Bitcoin Blockchain vào ngày 06/10/2014.
Hiện tại, giá trị của USDT trên Omni Layer là 2,145 tỷ đô. Anh em có thể xem chi tiết các lần phát hành USDT trên lớp Omni này tại đây.
Đối với loại USDT này, anh em có thể lưu trữ trên ví Omni Wallet hoặc trên ứng dụng của Tether.
USDT trên Ethereum
Nhận thấy yếu điểm về tốc độ giao dịch và phí của Bitcoin Blockchain. Vào tháng 09/2017, Tether đã quyết định phát hành USDT trên nền tảng của Ethereum theo tiêu chuẩn ERC20.
Hiện tại, giá trị của USDT trên nền tảng của Ethereum đạt hơn 2 tỷ đô. Anh em có thể kiểm tra số lượng USDT-ERC20 tại Contract 0xdac17f958d2ee523a2206206994597c13d831ec7
Đối với USDT-ERC20, anh em có thể lưu trữ trên các ví hỗ trợ tiêu chuẩn này như MyEtherwallet, Mycrypto, Metamask, Ledger Nano S, Trezor…
USDT trên Tron, EOS và Liquid
Sau khi phát hành USDT trên Ethereum, Tether đã phát hành thêm USDT trên nền tảng Blockchain của TRON, EOS và Liquid (Mạng thanh toán dựa trên Bitcoin). Cụ thể như sau:
- USDT – Tron: Được phát hành theo tiêu chuẩn TRC-20 của Tron vào ngày 16/04/2019.
- USDT – EOS: Được phát hành vào ngày 31/05/2019 trên nền tảng của EOS.
- Liquid – USDT: Được phát hành vào 29/07/2019 trên mạng lưới của Liquid.
Mặc dù, có 5 loại USDT được phát hành nhưng được sử dụng phổ biến chỉ có USDT trên Omni và USDT-ERC20.
Tether (USDT) vs Other Stablecoins
Có một điều không thể phủ nhận rằng, rất khó để có một đồng Stablecoin khác có thể thay thế được USDT ở thời điểm hiện tại.
Ở phần này, mình sẽ so sánh USDT với TrueUSD (TUSD), USD Coin (USDC), Paxos (PAX) và Gemini (GUSD) vì chúng cùng nằm trong loại Fiat-backed Stablecoin.
Về tổng giá trị
Hiện tại, tổng giá trị của 5 stablecoin này là ~5,26 tỷ đô. Trong đó, USDT chiếm hơn 82% trên tổng giá trị, gấp 7 lần giá trị của TUSD và USDC cộng lại.
Điều này cho thấy, TetherUS có độ lớn cực kỳ khủng khiếp so với các Stablecoin khác.
Về lượng Holders
Anh em có thể nhìn bảng thông tin mình đã tổng hợp bên dưới đây.
Chắc hẳn anh em cũng thấy rằng, số lượng holder nắm giữ USDT quá cao so với phần còn lại.
Với hơn 1,2 triệu holder nắm giữ, USDT đã gấp hơn 12 lần lượng holder của TUSD và USDC cộng lại.
Ở cột supply by holders cho anh em thấy được con số trung bình của mỗi holder. Trong đó, USDT có lượng holder nắm trung bình là 3423$ khá thấp so với PAX hay TUSD.
Về lượng Transfers
Nói về lượng lưu chuyển, Tether (USDT) rõ ràng vượt quá xa so với các đồng Stablecoin khác. Với tổng số transfers được thực hiện lên đến gần 22 triệu, gấp hơn 20 lần TUSD và USDC cộng lại.
Về Exchanges
Vì có quá nhiều sàn có volume không thật, nên mình sẽ so sánh trên 8 sàn có khối lượng giao dịch Bitcoin thật nhất do Bitwise công bố.
8 sàn giao dịch này gồm: Binance, Kraken, Coinbase, Bitstamp, Bitfinex, Poloniex, Gemini, Bittrex.
Như anh em thấy, USDT được chấp nhận giao dịch trên 4 sàn trên tổng số 8 (50%). Trong khi đó, bám sát theo USDT là USDC với 3 trên 8 sàn và thảm hại nhất là GUSD không được sàn nào trong 8 sàn này.
Sau khi so sánh USDT với 4 Stablecoin khác, anh em có thể thấy rằng USDT có mức vượt trội quá cao so với các đồng còn lại thông qua 4 phương diện như trên.
Từ tổng giá trị đến mức độ chấp nhận rộng rãi trên các sàn giao dịch đã thể hiện tầm quan trọng của USDT trong thị trường tiền điện tử ở thời điểm hiện tại.
Và, có một câu nói vui rằng: Nếu USDT có mệnh hệ gì (phá sản) thì không biết thị trường tiền điện tử này sẽ đi đâu và về đâu nữa?
FAQ – Tether, USDT
Ở phần này mình sẽ liệt kê ra một số câu hỏi thường gặp về Tether (USDT). Những phần thông tin mà mình chưa đề cập ở các phần trên.
Tether (USDT) có đào được không?
Tất cả các Tether Token, bao gồm cả USDT đều không thể đào được mà chỉ được phát hành bởi công ty Tether Operations Limited.
USDT có phải là một Altcoin không?
Tất cả các Tether Token, bao gồm cả USDT đều không phải là một loại Altcoin. Mà chúng được gọi là Stablecoin.
Tốc độ chuyển USDT là bao nhiêu?
Tốc độ chuyển USDT sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố, gồm:
- Tốc độ của nền tảng Blockchain mà USDT đó đang sử dụng.
- Số xác nhận giao dịch được quy định bởi sàn giao dịch.
Vì thế, tốc độ chuyển USDT sẽ không có con số cố định. Nhưng, anh em có thể sử dụng loại USDT-ERC20 để có tốc độ chuyển nhanh nhất và phí rẻ nhất.
Tạo ví lưu trữ USDT ở đâu?
Như mình có đề cập ở từng loại USDT bên trên, anh em có thể tự chọn loại USDT và tạo ví tương ứng để lưu trữ USDT.
Mua bán USDT ở đâu an toàn, uy tín?
Tại Việt Nam, anh em có thể mua bán USDT trên các sàn P2P như Remitano, Aliniex, Vicuta…
Ngoài ra, anh em cũng có thể giao dịch OTC với những người thật sự uy tín nhé!
Anh em có thể tham khảo một trong những thương nhân OTC đã được Coinnews247 xác minh kỹ càng là Coinnews247
Lời kết
Mình chắc rằng sau khi đọc đến đây, những anh em mới tham gia vào thị trường tiền điện tử đã có thể nắm bắt được 90% thông tin cần thiết về Tether nói chung hay USDT nói riêng.
Bên cạnh đó, anh em cũng có cái nhìn tổng quan hơn về các đồng Stablecoin thông qua phần so sánh giữa USDT và 4 đồng Stablecoin phổ biến khác.
Nếu anh em thấy thông tin do mình và đội ngũ Coinnews247 cung cấp là hữu ích. Đừng quên chia sẻ bài viết này cho những người anh em khác cùng đọc nha!
Thân chào và hẹn gặp lại anh em ở những bài viết sắp tới!
Theo dõi các kênh thông tin của Coinnews247.org !
Telegram Channel: https://t.me/coinnew247org
Telegram Group Chat: https://t.me/coinnews247org_Group
Fanpage: https://www.facebook.com/coinnews247/
Youtube: https://www.youtube.com/channel/