Nội dung chính
Khái niệm
Phân tích kỹ thuật là việc nghiên cứu đưa ra dự đoán giá tương lai thông qua việc phân tích hành động dữ liệu giá của quá khứ mặc dù mọi phân tích đều không thể chính xác hoàn toàn tuyệt đối.
Trong phân tích kỹ thuật có các thành phần chính:
- Thông tin trong khung thời gian xem xét.
- Các chỉ báo kỹ thuật mà nhà đầu tư lựa chọn sử dụng.
- Khả năng phân tích và đưa ra quyết định của nhà đầu tư.
Vì sao cần học phân tích kỹ thuật?
Nền móng của Phân tích kỹ thuật chính là “Lý thuyết DOW”, ngay khi được Charles DOW giới thiệu thông qua các bài viết. Lý thuyết DOW đã đưa ra các lý thuyết nổi bật và chi phối thị trường và là nền móng của phân tích kỹ thuật hiện đại thông qua biểu đồ.
Và việc học phân tích kỹ thuật là thực sự cần thiết bởi:
- Giá cả phản ánh thông tin của toàn bộ thị trường. Biểu hiện rõ ràng nhất của quy luật cung-cầu chính là thông qua giá cả, chúng phản ánh tâm lý thị trường. Bạn có thể thông qua việc sàng lọc các thông tin qua giá, hình thành cơ sở phân tích và đưa ra nhận định cho tương lai.
Ví dụ: Giá BTC giảm gần 10,000$ từ gần 42,000$ xuống 30,500$ nhưng trong khoảng 30,000$ đến 35,000$ có một lượng volume mua vào lớn làm giá không thể giảm thêm. Hình thành mô hình tăng giá và đẩy giá lên 38,000$ ngay ngày sau đó.
- Giá cả luôn đi theo một xu hướng nhất định, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Dù bạn tiến hành phân tích trên các khung thời gian ngắn hạn hay dài hạn, bạn có thể giả sử việc giá cả sẽ lặp lại theo một xu hướng trong quá khứ.
Hành động giá hiện tại là cơ sở đáng tin để bạn phân tích xu thế tương lai. Các hình thức phân tích khác có thể giúp bạn đưa ra quyết định mua/bán hay không nhưng điểm mua/bán thì hầu hết mọi người đều sử dụng phân tích kỹ thuật.
Ví dụ: Khi sự kiện BTC phá vỡ mốc 10,000$ chính thức chuyển giao xu hướng từ Downtrend sang Uptrend thì rất nhiều nhà đầu tư đã đổ sang mua BTC. Nhưng để chọn được entry tốt thì chắc chắn sẽ cần phân tích kỹ thuật. Nếu bạn mua luôn ở mức 10,000$/1BTC thì bạn đã lỡ nhịp back test trendline ở mốc 8,900$/1BTC.
- Phân tích kỹ thuật hoàn toàn có thể học và rèn luyện thông qua quá trình: Nếu bạn mới gia nhập thị trường và các kiến thức vĩ mô còn quá khó cho bạn tiếp cận thì phân tích kỹ thuật sẽ là nơi bắt đầu của bạn. Dần dần qua quá trình rèn luyện, kỹ năng phán đoán thông qua dữ liệu lịch sử giá của bạn sẽ càng được nâng cao hơn.
- Con số không biết nói dối: Việc sử dụng phân tích kỹ thuật giúp bạn tránh xa các quyết định cảm tính sẽ tăng xác suất thắng của bạn lên cao hơn và đảm bảo lợi nhuận, điều này đặc biệt đúng khi bạn chơi margin hoặc hợp đồng chênh lệch CFD.
Phân tích kỹ thuật đã có cả trăm năm, vì sao chúng tồn tại được đến nay? Câu trả lời chính là hơn 100 năm qua chúng vẫn luôn đem lại lợi nhuận cho những ai sử dụng phân tích kỹ thuật. Đó là cách dễ hơn việc đọc hiểu những thứ vĩ mô của nền kinh tế.
Phân tích kỹ thuật có lợi ích gì?
Ưu điểm
Tập trung vào giá
Mục tiêu chính của Phân tích kỹ thuật là dự đoán giá tương lai, tập trung vào xu hướng của thị trường. Giá cả thường đi trước phân tích căn bản mà phân tích kỹ thuật lại có thể phân tích dự đoán giá tương lai. Mặc dù các diễn biến giá thường diễn ra trong thời gian ngắn và đột ngột nhưng đều có những dấu hiệu báo trước từ rất lâu theo chu kỳ kinh tế.
Cung, cầu và diễn biến giá
Cung cầu vào diễn biến giá là căn nguyên của những phân tích bởi khi nhu cầu tăng/giảm đều biểu hiện qua giá cả trên đồ thị. Khi giá tăng có khối lượng mua vào cực lớn tức là nhu cầu rất nhiều và có thể trong tương lai kết hợp với sự fomo của thị trường giá cả còn đi lên.
Ví dụ: Khi giá BTC chạm 20,000$ thì lực bán tháo/chốt lời không cao cộng với giá giảm không nhiều tức là kỳ vọng giá tăng của thị trường vẫn còn. Và kết quả là giá tiếp tục phá vỡ mốc 20,000$ và đi lên.
Hỗ trợ và kháng cự
Phân tích biểu đồ đơn giản có thể giúp xác định mức hỗ trợ và kháng cự. Khi giá có sự lưỡng lự tại một khu vực tức là cả bên mua và bên bán đều đang có sự giằng co. Khi giá vượt ra khỏi vùng giá đó nó báo hiệu rằng cung hoặc cầu đã bắt đầu chiếm ưu thế.
Nếu giá di chuyển trên biên trên của kháng cự thì bên mua sẽ thắng. Nếu giá di chuyển xuống vùng biên dưới của kháng cự cho ta biết rằng bên bán đang thắng thế và giá sẽ có thể giảm về vùng hỗ trợ cũ.
Giá lịch sử
Ngay cả khi bạn là một người theo trường phái phân tích cơ bản thì biểu đồ cũng cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích. Biểu đồ là hiển thị của bức tranh lịch sử giá trong quá khứ khi đối diện với những thông tin tương tự, lặp lại hoặc diễn biến của thị trường trước đó.
Bạn có thể xác định các thông tin sau:
- Phản ứng giá tại thời điểm diễn ra các sự kiện quan trọng.
- Biến động giá của quá khứ so với hiện tại.
- Khối lượng giao dịch trong quá khứ.
- Sự ảnh hưởng ở hiện tại đến toàn bộ thị trường.
Hỗ trợ tìm điểm vào
Phân tích kỹ thuật có thể giúp bạn xác định được điểm vào phù hợp thông qua các ông cụ, chỉ báo. Việc tìm điểm vào/ra cũng quan trọng tương tự như mỗi quyết định mua/bán của bạn vì nếu bạn có điểm vào đẹp thì rủi ro đầu tư của bạn đã được giảm xuống đáng kể.
Phân tích kỹ thuật có thể giúp xác định vùng cầu (hỗ trợ) và vùng cung (kháng cự) một cách chính xác hơn thay vì chung chung trong một vùng giá không cụ thể.
Nhược điểm
Phân tích có thể có sai số
Bất kể hình thức phân tích nào đều có sai số, phân tích kỹ thuật cũng vậy. Đây là hình thức phân tích dựa vào phán đoán cá nhân, bởi vậy sai số là không thể tránh khỏi, đặc biệt nếu phán đoán của bạn đặt quá nhiều tình cảm vào các con số thì thường sai số càng nhiều hơn.
Điều quan trọng là bạn phải nhận thức được những ý kiến này khi phân tích biểu đồ. Nếu bạn quá bảo thủ với nhận định của mình rất có thể bạn sẽ có phán đoán sai.
Tính tương đối
Cùng một thời điểm, cùng một biểu đồ, cùng các chỉ báo nhưng 2 nhà phân tích có thể đưa ra 2 nhận định khác nhau đối ngược. Nhưng không vì thế mà mọi trường hợp đều có một người đúng một người sai bởi ở mỗi phân tích đều có tính tương đối, chúng phụ thuộc vào tầm nhìn của người phân tích.
Luôn có những ý kiến trái chiều
Ngay cả khi xu hướng đã được xác định thì cũng vẫn luôn có những ý kiến trái chiều. Điều này có lợi nhiều hơn là có hại bởi vì trong thị trường tài chính khốc liệt, nếu tất cả mọi người đều giữ tâm lý e dè, sợ hãi hoặc quá hi vọng, lạc quan vào thị trường thì chắc chắn tỷ lệ rủi ro sẽ được đẩy lên cao hơn.
Ví dụ: Khi dịch bệnh Covid lây lan vào đầu năm 2020, toàn bộ thị trường rơi vào tình trạng lo lắng dịch bệnh sẽ lây lan rộng và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới nên vào tháng 3, toàn bộ thị trường tài chính nhuộm một màu đỏ. Thị trường Crypto cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng và cú crash giá từ 10,000$ về 3,800$ là điều hoàn toàn có thể suy luận được.
Nhiễu
Không phải tất cả các tín hiệu hoặc mô hình đều luôn đi theo quy tắc cũng như có rất nhiều loại chỉ báo khác nhau và bạn không thể sử dụng tất cả chúng để giao dịch.
Ví dụ: Không phải tất cả mọi trường hợp giá phá vỡ mô hình, trendline breakout đều sẽ đi theo xu hướng phá vỡ. Rất có thể chúng đang có cú phá vỡ giả và giá không đi theo dự tính của mô hình trendline.
Các loại chỉ báo thường dùng trong Phân tích kỹ thuật
Về cơ bản chỉ báo kỹ thuật được phân thành 2 nhóm chính: chỉ báo sớm và chỉ báo trễ.
Đó là nhóm chỉ báo, nhưng trong giao dịch chúng ta không nhất thiết phải am hiểu quá nhiều chỉ báo. Mình sẽ giới thiệu với các bạn một vài nhóm chỉ báo được sử dụng nhiều.
Chỉ báo xu hướng
Nhóm chỉ báo này sẽ giúp trader nhanh chóng nhận biết được xu hướng thị trường, hoặc thị trường đang có xu hướng thay đổi, đây hầu hết là các chỉ báo trễ (MA, MACD)
- Đường trung bình động (MA).
- MACD – Phân kỳ hội tụ đường trung bình.
- Parabolic sar (dừng lại và đảo chiều theo hình parabol).
Chỉ báo xung lượng
Giúp xác định tốc độ biến động của mức giá qua thời gian. Tính bằng cách so sánh giá đóng cửa hiện tại so với giá đóng cửa trước đó, thường là một đường nằm dưới biểu đồ giá và khi xuất hiện phân kỳ, nó có thể dự báo xu hướng thay đổi trong tương lai và thuộc nhóm chỉ báo sớm.
- Chỉ số sức mạnh tương đối RSI.
- Chỉ báo giao động ngẫu nhiên Stochastic.
Chỉ báo biến động
Chỉ báo này cho thấy tốc độ biến động bất kể hướng đi của giá. Thông thường chúng căn cứ vào giá cao nhất và giá thấp nhất trong quá khứ từ đó có thể xác định vùng mua hợp lý thông qua vùng giá phản ứng đảo chiều. Các chỉ báo này đều thuộc nhóm chỉ báo trễ.
- Dải Bollinger Band (BB).
- Vùng biên độ trung bình (ATR).
- Chỉ báo độ lệch tiêu chuẩn.
Chỉ báo khối lượng
Chỉ báo này chỉ ra độ mạnh của một xu hướng hoặc xác nhận một xu hướng thông qua khối lượng giao dịch. Xu hướng được hình thành, xác nhận thông qua khối lượng giao dịch tăng và chúng thường đem lại sự biến động giá cả rõ rệt và thuộc nhóm chỉ báo sớm.
- Khối lượng giao dịch Volume.
- Chỉ báo giao động chaikin.
- Chỉ báo khối lượng cân bằng.
- Tỉ lệ khối lượng thay đổi.
Tips sử dụng chỉ báo trong phân tích kỹ thuật
- Không nên sử dụng quá nhiều chỉ báo: Việc sử dụng 4-5 chỉ báo cùng lúc là quá nhiều với bạn, thông thường bạn chỉ nên sử dụng 2-3 chỉ báo một cách hiệu quả để tránh bị nhiễu thông tin.
- Chọn chỉ báo như thế nào: Nên chọn các chỉ báo tương hỗ lẫn nhau, hạn chế sử dụng các chỉ báo đối ngược nhau cùng một lúc.
Kết hợp các chỉ báo khác để xác nhận xu hướng chỉ báo đang sử dụng. Sau khi chỉ báo bạn sử dụng đưa ra gợi ý về một xu hướng mới, bạn nên kết hợp thêm các công cụ khác để có thể xác nhận lại chúng.
- Hiểu rõ chỉ báo đang sử dụng: Bạn nên hiểu rõ chỉ báo mình dùng là gì, có tác dụng như thế nào, vận dụng để đưa ra quyết định đầu tư ra sao nhằm đưa ra nhận định chính xác trong quá trình phân tích.
Các bước học phân tích kỹ thuật
Bước 1: Nhìn tổng quát biểu đồ nến
Mục tiêu của phân tích kỹ thuật là đưa ra quyết định đầu tư cho tương lai dựa trên dữ liệu quá khứ. Vì vậy bạn cần xem xét rằng biểu đồ bạn muốn áp dụng phân tích kỹ thuật có áp dụng được hay không thông qua khối lượng giao dịch.
Một chỉ số chỉ được phân tích đúng thông qua phân tích kỹ thuật chỉ khi chúng được giao dịch thực tế trên thị trường thông qua khối lượng mua bán cụ thể. Chúng càng được giao dịch nhiều chứng tỏ khả năng áp dụng phân tích kỹ thuật càng cao.
Bước 2: Xác định xu hướng, hỗ trợ – kháng cự
Lúc này chúng ta cần xem xét xu hướng chính, các mốc hỗ trợ-kháng cự trên từng khung thời gian từ các khung lớn đến các khung nhỏ hơn, dài hạn và ngắn hạn giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về các mốc quan trọng của xu hướng chính.
Lưu ý rằng các mốc kháng cự – hỗ trợ và xu hướng trong các khung nhỏ có thể mâu thuẫn với xu hướng chính. Chúng chỉ là việc điều chỉnh trong xu hướng chính.
Bước 3: Tìm hiểu các mô hình biểu thị ủng hộ/phản đối xu hướng hiện tại
Hầu hết các xu hướng đều đi theo một mô hình nào đó, nếu bạn có thể tìm ra chúng đang đi theo mô hình nào, chờ đợi chúng xác nhận thì cơ hội giao dịch với tỉ lệ thành công cao của bạn sẽ gia tăng lên.
Bước 4: Chờ các tín hiệu từ chỉ báo, các điều kiện thỏa mãn vào lệnh
Khi các chỉ báo đã đạt đủ điều kiện để có thể tạo ra một giao dịch, bạn hãy kiểm chứng lại chúng rồi từ đó chuẩn bị sang bước 5.
Bước 5: Lên kế hoạch vào lệnh: Lựa chọn điểm vào lệnh/chốt lời/cắt lỗ, tỉ lệ rủi ro
Không phải mọi tín hiệu từ chỉ báo đều có thể đem đến một giao dịch cho bạn. Sau khi có tín hiệu giao dịch bạn cần lên kế hoạch giao dịch cẩn thận. Việc cân nhắc các yếu tố rủi ro, tỉ lệ R:R, nguyên tắc quản lý vốn của bạn thì mới nên đưa ra quyết định có tiến hành giao dịch hay không.
Bước 6: Thực hiện và tuân thủ kế hoạch
Khi đã có kế hoạch giao dịch cụ thể bạn hãy thực hiện và tốt nhất nên tuân thủ chúng. Mỗi phân tích đều có tỉ lệ xác suất thắng khác nhau và việc bạn không tuân thủ đúng kế hoạch có thể chính là nguyên nhân khiến bạn thua lỗ nặng hơn.
Kết luận
Phân tích kỹ thuật gần như là bài học đầu tiên khi bước vào thị trường tài chính bởi chúng có nguyên tắc cụ thể, bạn có thể rèn luyện để dần nâng cao qua thời gian.
Mặc dù thị trường luôn bị ảnh hưởng bởi cá mập nhưng cơ bản các kỹ năng phân tích kỹ thuật vẫn đảm bảo tỷ lệ thắng cao cho bạn và thu về lợi nhuận.
Theo dõi các kênh của Coinnews247 tại đây !
Telegram | Facebook | Youtube | Tradercoin