Nội dung chính
Giới thiệu
Khi tham gia thị trường Crypto, mỗi người đều mong muốn có thể thu về được mức lợi nhuận lớn nhất giống như những lời quảng cáo tràn lan trên các trang mạng.
Tuy vậy, chẳng mấy người xác định rủi ro sẽ gặp phải là gì trong quá trình đầu tư từ đó gặp phải vô số sai lầm.
Bài viết ngày hôm nay mình sẽ chỉ ra những sai lầm thường thấy nhất của các trader trong quá trình Trade coin gặp phải.
Về mặt phương pháp thực hiện
Thiếu kiến thức
Trade coin là một nghề có thể kiếm ra tiền nhưng nghề nào cũng cần có kiến thức. Không ai có thiên bẩm để biết những khái niệm như: Margin là gì? Long/Short hay Margin khác Futures như thế nào, khác CFD ra sao? Cross Margin với Isolated Margin là gì?
Tất cả đều phải tìm hiểu thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau để tránh có cái nhìn phiến diện cũng như chuẩn bị nền tảng thực hiện “chiến lược kiếm tiền”.
Không có kế hoạch hành động cụ thể
Bạn nghĩ rằng cứ thế bước vào thị trường thì mọi kiến thức sẽ được bù đắp nên bạn cứ bắt đầu giao dịch. Thực hiện các giao dịch thông qua chuỗi quyết định bằng cảm tính sẽ dẫn đến các quyết định sai lầm, thậm chí việc chuẩn bị phương án dự phòng cũng chính là một trong những điểm mấu chốt của vấn đề.
“Cờ bạc đãi tay mới” và trong thị trường coin hầu hết nhà đầu tư mới gặt hái được một số thành công ban đầu cực tốt, con số này có thể lên tới 95%.
Điều này không có nghĩa là thị trường coin giống như việc đánh bạc mà tâm lý khi tham gia thị trường của những người chơi coin mới đều đem tâm lý con bạc để bắt đầu.Tạo ra một hệ lụy khủng khiếp.
Bạn không có kế hoạch quản lý vốn, không có kế hoạch ra vào lệnh, thậm chí kế hoạch chốt lãi cũng chẳng hề có.
Muốn có kế hoạch cụ thể bạn chẳng cần làm đâu xa, hãy xác định bạn muốn gì ở thị trường này? Mỗi ngày bạn có thể giành ra bao nhiêu thời gian quan sát, đọc tin tức và tạo ra hệ thống giao dịch cho riêng mình bằng mọi cách để có thể đạt được mục đích ban đầu.
Kế hoạch hành động sẽ được hình thành sau khi bạn có 1 lượng kiến thức nhất định và điều chỉnh phù hợp với bản thân, hoàn cảnh riêng của mình. Ví dụ, nếu bạn không hiểu Cross Margin và Isolate Margin là gì thì làm sao biết rằng khi cháy lệnh cross margin thì toàn bộ tài sản trong ví bạn sẽ mất mà đặt TP- SL cho cẩn thận không dám thả trôi Stoploss.
Quản lý vốn
Bắt đầu gia nhập thị trường với $10,000 tiền vốn chiếm 20% số tiền bạn có để tham gia đầu tư ở lĩnh vực mới mẻ này. Tuy vậy khi giao dịch bạn nhận ra: có vẻ tiền rất dễ kiếm và bạn có thể kiếm nhiều hơn nếu bỏ vào 50% thậm chỉ 70% vào đây khi người người nhà nhà cũng đang đầu tư coin giống mình. Và quan trọng hơn, chỉ cần nhân 2, nhân 3 tài sản bạn sẽ rút ra và “nghỉ hưu”.
Ví dụ khác, mỗi lần giao dịch thành công và kiếm được $1,000, nhưng lần tiếp theo bạn lại đầu tư $1,500. Tức là tiền bạn đầu tư còn nhiều hơn tiền bạn kiếm được trong khi đó tâm lý đang hưng phấn bạn cứ nghĩ mình đang trên đà thắng.
Cuối cùng bạn sẽ chỉ bắt đầu kế toán lại tài khoản của mình khi thua sấp mặt và nhận ra: ô, tài khoản của mình đang hao mòn từng ngày cho dù lệnh thắng nhiều hơn lệnh thua.
Hay trường hợp khác, bạn trade coin nhưng lại nghĩ mình có thể gồng vô cực và bạn cũng nghĩ mình sẽ sống chết 1 ăn 2 thua với lệnh giao dịch của mình và chẳng ý thức được là mục đích của bạn là quản lý vốn – kiếm tiền chứ không phải cay cú với một vài lệnh giao dịch thắng thua bao nhiêu phần trăm.
Quản lý vốn chung quy là bạn làm sao tìm ra cách tốt nhất đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả cũng như hạn chế rủi ro mất sạch vốn mà không có cách nào gỡ lại được. Có câu còn vốn là còn gỡ, nếu đến một ngày bạn đã tìm ra được các phương pháp giao dịch có thể kiếm bù đắp khoản lỗ nhưng tài khoản cháy hoặc còn quá ít tiền thì bạn sẽ mất bao lâu để lấy lại hay từ bỏ?
Bình thường, với trade margin có đòn bẩy mình chỉ sử dụng 10% tài khoản để giao dịch và chia thành những khoản nhỏ khác nhau để làm sao có thể giao dịch ít nhất hơn 5 lệnh trên 1 ngày. Đồng thời, nếu mình lỡ có cháy mình sẽ không nạp thêm vào và dừng lại chờ ngày mới giao dịch.
Đối với các khoản trade coin lướt sóng không có đòn bẩy mình sử dụng 40% tài khoản và tất nhiên cũng chẳng thể dành hết số này và chỉ thường sử dụng 50% để ra vào các lệnh với lợi nhuận từ 10-20%.
Phức tạp hóa mọi thứ
Lao vào học và tìm kiếm tất cả các mô hình giá, mô hình nến mà bạn mới chỉ nhìn qua lịch sử thị trường đã nghĩ rằng: tất cả mọi giao dịch đều chẳng đi trượt mô hình nào cả, và bạn sẽ trở thành trader tài ba nếu đoán trúng mô hình giá đang chạy.
Các indicator cũng hấp dẫn không kém, chỉ cần bật bất kỳ indicator nào lên cũng sẽ thấy chúng thật đúng và nhận ra đây chính là cơ hội kiếm tiền.Nghe đơn giản thật sự, sau khi thêm EMA bạn lại thấy Ichimoku là không thể thiếu, thêm Fibo để bắt được đúng từng chiếc râu nến hay Price Action để thấy dấu hiệu đảo chiều sớm nhất.
Và kết quả là: bạn chẳng có 1 chỉ báo nào giúp ích để bạn kiếm được tiền nhiều hơn người khác cả.
Cách thức là gì? Có một câu không liên quan lắm là: một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Ý nghĩa đơn giản là bạn chọn 1-2 chỉ báo và bạn thật sự nắm bắt được, am hiểu về chúng rồi từ đó xây dựng hệ thống giao dịch trên nó thì đã đủ để bạn kiếm sống với phân tích kỹ thuật rồi.
Nếu bạn chưa biết chọn chỉ báo nào phù hợp hãy lấy từng chỉ báo, thử xây dựng một hệ thống giao dịch và sử dụng công cụ tracking. Chỉ báo nào ít nhiễu và tạo ra lợi nhuận tốt nhất thì bạn hãy sử dụng chúng.
Quá tự tin/quá tự ti vào phân tích của bản thân
Mọi hệ thống giao dịch đều có xác suất. Đây là nguyên lý căn bản của phân tích kỹ thuật nhưng trong một chuỗi thắng bạn lại tự tin và cho rằng bản thân có vẻ quá giỏi giang từ đó phá vỡ các nguyên tắc khác: quản lý vốn, vào lệnh liên tục và điều này thường chẳng mấy tốt đẹp được lâu cho đến khi bạn bước vào chuỗi thua.
Chuỗi thua khi bắt đầu thường sẽ giúp bạn dừng lại để xem xét thị trường, nhìn lại hệ thống giao dịch nhưng nếu bạn quá tự tin vào phân tích của mình thì tâm lý cay cú sẽ giết chết sự tỉnh táo, phán đoán chính xác trước kia của bạn thậm chí có thể sẽ khiến bạn sụp đổ vì mất tự tin vào khả năng phân tích của mình.
Còn ngược lại thì sao?Tracking có tỉ lệ winrate khá ổn nhưng khi vào lệnh bạn không có chính kiến, ngay lập tức bạn có thể cắt lệnh khi bị tác động. Đây chính là một trong những cách phá vỡ kế hoạch ban đầu của bạn.
Không đặt SL và thích bắt dao
Tâm lý của hầu hết trader mới vào thị trường, cũng không hẳn mà là rất nhiều trader có suy nghĩ rằng: chắc sắp quay đầu rồi, cố gồng thêm chút nữa thì sẽ được về bờ…
Hoặc có đôi khi, thấy thị trường đang giảm quá sâu thì vào mua biết đâu mua được đáy hoặc là sẽ vào được lệnh bán đỉnh. Trong hình là ví dụ Bingbon chỉ cần giá vượt qua 80% thì tự động lệnh bị thanh lý 100% tiền lệnh giao dịch đó. Nếu bạn đặt SL thì bạn chỉ mất tối đa 80% này. Tại sao lại không cẩn thận để mất hết số tiền không đáng có vậy?
Tất nhiên, nếu bạn có cơ sở rõ ràng thi trong xu hướng mạnh đang diễn ra hoàn toàn có thể “bắt dao” và chẳng cần thiết cài stoploss.Nếu bạn đã đưa ra được phương án giải quyết mỗi lần vào lệnh một cách rõ ràng thì tất nhiên đó là những cơ hội hiếm có để mua được giá rẻ/ bán được giá đắt.
Tâm lý là thứ chi phối hoạt động Trade coin nhiều nhất
Ngoài những yếu tố về kỹ thuật, thì yếu tố về tâm lý có thể là tác động chính dẫn đến những sai lầm trong trade coin bởi đây gần như là cuộc chiến tâm lý khi những người điều khiển cuộc chơi muốn đám đông trở nên hỗn loạn, bán đáy mua đỉnh thì họ sẽ thu lợi.
Nỗi sợ và lòng tham
Sợ mất mát và muốn được nhiều hơn những gì mình bỏ ra chính là những tay chơi crypto.
Bước vào thị trường thấy rất nhiều triệu phú, tỷ phú chỉ mất vài ngày hoặc vài tháng đã có số tài sản mà bạn đang mơ ước. “Nghe họ kể” rằng chơi coin sẽ sớm thay đổi số phận.
Tất nhiên số phận bạn sẽ thay đổi nhưng theo hướng nào? Trong đầu mỗi người sẽ luôn tưởng tượng ra viễn cảnh đổi xe máy lấy ô tô nhưng những ai “đu đỉnh” rồi sẽ nhận ra rằng có trường hợp ngược lại là đổi ôtô lấy xe máy.
Kiểm soát nỗi sợ và lòng tham sẽ giữ cho bạn một cái đầu lạnh đưa ra quyết định đúng đắn. Trong trường hợp này trái tim nóng chỉ cần thiết khi bạn cash out được tiền lãi ra khỏi thị trường để phục vụ cho bản thân.
Hầu hết các nhà đầu tư kỳ cựu tỉnh táo đưa ra quyết định tránh bán tháo, thậm chí gom hàng hay khi thị trường tăng giá khiến cả đám đông fomo bắt đầu mua vào thì họ lại suy nghĩ chuyện chốt dần lãi và biến mất khỏi thị trường lúc nào bạn chẳng hay.
Phương pháp cải thiện sẽ không có cụ thể tuỳ vào sự kỷ luật của mỗi người. Bạn cần luôn tự nhủ bản thân là mục tiêu của mình từ đâu, với số vốn của bạn thì target nào phù hợp và cân bằng với rủi ro. Và nếu bạn muốn được nhiều thì tất nhiên bạn phải xác định mất nhiều tương ứng.
Ban đầu với số vốn $1,000 và mục tiêu lãi $1,000 nhưng thấy các đồng môn lãi $5,000 thậm chí cả trăm nghìn bạn có kiểm soát được lòng tham của mình hay không?
Lặp đi lặp lại sai lầm
Hầu hết những người có kinh nghiệm trong trade coin đều sẽ ghi lại các giao dịch thất bại, từ đó tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết cụ thể. Nhưng càng trader non nớt lại càng chẳng dám đối diện, thậm chí nghĩ rằng: thôi, lần sau không vậy nữa nhưng lần sau cũng chưa thấy khác biệt.
Những vấn đề về tâm lý thường được chữa bằng chính trải nghiệm của bản thân. Tất nhiên nếu bạn là người mới chưa trải qua những cảm giác này thì cũng không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ gặp phải. Tuy vậy trang bị một lớp kiến thức để tự phòng mình ra khỏi những lỗi số đông mắc phải thì con đường đến thành công của bạn sẽ “đỡ tắc” hơn rất nhiều.
Kết luận
Thị trường luôn biến hoá khôn lường theo một cách thức nào đó để luôn mong muốn lấy tiền từ ví bạn. Nếu bạn muốn kiếm tiền thì bước đầu tiên chính là giữ tiền trong túi thật chặt. Nếu không muốn trở thành con mồi cho những thời săn MM thì hãy có thật nhiều kiến thức, đặc biệt là trang bị tâm lý vững vàng trong thị trường sóng gió này.